Bắt người lao động không được làm việc cho Công ty đối thủ liệu có đúng luật
Số lần xem: 9,490 Ngày đăng: 27/11/2016 12:24:04
Bạn tìm được một công việc ưng ý với vị trí, mức lương và các đãi ngộ hấp dẫn nhưng bên cạnh việc ký hợp đồng lao động, bạn còn phải ký “Điều khoản cạnh tranh”. Vậy “Điều khoản cạnh tranh” là gì? Và bạn sẽ giải quyết như thế nào khi gặp trường hợp này?Trên thực tế, khi xác lập hợp đồng lao động với các Công ty, đặc biệt là Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì cùng với hợp đồng lao động, người lao động có thể phải ký thêm phụ lục hợp đồng hoặc bản cam kết liên quan đến việc người lao động sau khi nghỉ việc tại công ty bất kể vì lí do gì thì không được làm việc cho công ty đối thủ trong một thời gian (có thể là 01 năm hoặc 02 năm…) kể từ ngày nghỉ việc. Các Công ty thường đặt tên cho quy định này là “Điều khoản cạnh tranh”. Quy định này không những được quy định trong phụ lục hợp đồng, bản cam kết mà nhiều Công ty còn quy định nó trong nội quy lao động của Công ty. Vậy liệu điều khoản này có đúng với quy định của pháp luật không?
Theo Luật sư Tranh tụng, đây là một điều khoản hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, bởi lẽ:
Trước tiên, điều khoản này là hoàn toàn trái với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng lao động nói riêng được quy định tại Điều 389 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 17 Bộ luật Lao động 2012. Người lao động muốn được vào làm việc thì phải chấp nhận với điều khoản này và không còn sự lựa chọn nào khác.
Thứ hai, điều khoản này hoàn toàn đi ngược lại với quyền tự do lựa chọn việc làm và không bị phân biệt đối xử của người lao động được quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2012. Bên cạnh đó, điều khoản này cũng trái với quy định tại Điều 10 Bộ luật Lao động 2012: “Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi mà pháp luật không cấm”.
Thứ ba, “Điều khoản cạnh tranh” này thường được nằm trong một Bản cam kết hoặc Phụ lục hợp đồng. Những văn bản này chỉ có giá trị khi người lao động còn làm việc tại Công ty và hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực. Còn khi người lao động đã hết làm việc tại Công ty, tức Hợp đồng lao động đã chấm dứt thì phụ lục Hợp đồng hay Bản cam kết đều không có giá trị ràng buộc đối với người lao động nữa.
Tóm lại, việc buộc người lao động không được làm việc cho Công ty đối thủ trong một thời gian nhất định kể từ ngày nghỉ việc là trái với quy định của pháp luật. Đây là sự áp đặt một chiều của người sử dụng lao động. Người lao động nếu muốn được vào làm việc ở Công ty thì phải chấp nhận điều khoản này. Đây là một mối quan hệ thể hiện sự bất bình đẳng và quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Cơ hội việc làm của người lao động sẽ bị thu hẹp bởi quy định này.
Chính vì vậy, người lao động nên lưu ý đến vấn đề này khi ký kết hợp đồng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình. Vậy khi gặp những trường hợp như vậy, người lao động cần phải giải quyết như thế nào?
Theo chúng tôi, nếu gặp trường hợp này người lao động có thể giải quyết như sau:
Một là, người lao động nên từ chối ký hợp đồng lao động này vì nó có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ sau này. Đây là cách làm đơn giản nhất.
Hai là, nếu người lao động thật sự muốn được làm việc ở Công ty đó thì họ có thể đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động để họ có thể thay điều khoản “không được làm việc ở công ty đối thủ sau khi nghỉ việc” bằng một điều khoản khác nhẹ nhàng hơn như là “không được tiết lộ bí mật kinh doanh của Công ty sau khi nghỉ việc”. Người lao động nên hiểu rằng mục đích của người sử dụng lao động khi quy định điều khoản này là họ muốn bảo vệ các bí mật kinh doanh hay muốn độc quyền sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của người lao động. Chính vì vậy, để đảm bảo cho cuộc đàm phán, thương lượng diễn ra một cách thuận lợi, người lao động nên chuẩn bị cho mình một số kiến thức pháp luật nhất định liên quan đến lao động và nên tìm đến những Luật sư dày dặn kinh nghiệm để tham vấn ý kiến của họ.
Và chúng tôi, đội ngũ Luật sư Lao động giàu kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về pháp luật sẽ sẵn sàng giúp đỡ người lao động để quyền và lợi ích hợp pháp của họ có thể được bảo vệ một cách tốt nhất.
Thảo Linh
Bài viết liên quan
- Thủ tục đăng ký nội quy lao động (15/02/2019 16:07:44)
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (04/09/2014 15:12:41)