Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hoạt động kinh doanh thương mại
Số lần xem: 9,835 Ngày đăng: 28/11/2016 11:51:54
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là những chế tài trong hoạt động kinh doanh thương mại, mặc dù chúng cùng là chế tài thương mại, nhưng phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại về cơ bản chúng có sự khác nhau rõ rệt, nên các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng cần lưu ý đến sự khác nhau của nó.Trên thực tế, có thể do không am hiểu pháp luật nên các bên trong hợp đồng kinh doanh thương mại đã không phân biệt được hai loại chế tài này, dẫn đến việc không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình một cách triệt để nhất. Vì vậy, vấn đề ở đây là cần hiểu và làm rõ sự khác biệt giữa hai loại chế tài này để có thể áp dụng một cách chính xác nhất.
Khi Tư vấn Pháp luật cho Khách hàng giải quyết tranh chấp, Luật sư Thương mại hay gặp những Hợp đồng kinh doanh thương mại ràng buộc các điều khoản không chặt chẽ, mức phạt không thống nhất và không phù hợp với mức phạt được quy định trong kinh doanh thương mại, còn thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì trái luật.
Bằng bài viết này, Luật sư Tranh tụng sẽ phân tích một cách cơ bản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại để các bạn có thể hiểu hơn và phân biệt được hai loại chế tài này.
* Cơ sở pháp lý
Chế tài bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 302, Điều 303 Luật Thương mại 2005.
* Mục đích
Mục đích của phạt vi phạm là ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong hợp đồng, hướng các bên tới việc thực hiện hợp đồng một cách trọn vẹn.
Mục đích của bồi thường thiệt hại là nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
* Điều kiện áp dụng
Đối với chế tài phạt vi phạm, các bên chỉ có thể áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận sẽ bị phạt vi phạm trong hợp đồng. Tức là việc phạt vi phạm chỉ áp dụng khi các bên đã có thỏa thuận về việc này trong hợp đồng.
Đối với chế tài bồi thường thiệt hại, các bên có thể áp dụng dù không có thỏa thuận trước đó trong hợp đồng, chỉ
cần có đầy đủ các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005 thì đã có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các căn cứ (1) có hành vi vi phạm hợp đồng, (2) có thiệt hại thực tế, (3) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Lưu ý là yếu tố lỗi không phải là yếu tố bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong kinh doanh thương mại.
* Mức phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Mức phạt vi phạm trong kinh doanh thương mại do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Ví dụ nếu giá trị hợp đồng hai doanh nghiệp ký là 1 tỷ, một bên vi phạm tiền phạt tương đương 400 triệu, hai bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Như vậy, mức phạt tối đa sẽ là 8% x 400 triệu = 32 triệu.
Còn đối với mức bồi thường thiệt hại thì phụ thuộc vào giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận liên quan đến việc có được quyền thỏa thuận trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hay không nhưng hiện này các bản án của Tòa án vẫn ghi nhận theo hướng không chấp nhận việc các bên thống nhất trước mức bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại đều là hai chế tài quan trọng trong kinh doanh thương mại. Vì vậy, các bạn nên hiểu và phân biệt được hai loại chế tài này để có thể áp dụng một cách chính xác nhất, tránh những trường hợp sai lầm không đáng có từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thảo Linh
Bài viết liên quan
- Các chế tài thương mại (Phần 2) (25/03/2019 10:03:59)
- Các chế tài thương mại (Phần 1) (18/03/2019 14:42:01)