Đăng ký email

Tư vấn miễn phí

Online 1
Online 2

Thống kê

quangvu.net Online: 3

quangvu.net Today: 276

quangvu.net Yesterday: 657

quangvu.net Total: 542,388

Quảng cáo

Luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, luật sư dân sự, luật sư hôn nhân gia đình

Phân biệt hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa trong vụ án dân sự

Số lần xem: 8,752 Ngày đăng: 15/08/2018 10:46:32

Hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa là những khái niệm được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau nhưng cùng dẫn đến một hệ quả pháp lý là vụ án không được xét xử trong một thời hạn nhất định.

Vì vậy, việc phân biệt hai thuật ngữ này là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa trong quá trình tham gia, xét xử các vụ án. Bài viết tập trung phân tích trong phạm vi của Bộ luật tố tụng dân  2015

HOÃN PHIÊN TÒA

Các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị hoãn trong các trường hợp sau:

a. Khi có sự thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên tại phiên tòa mà không có người dự khuyết ngay từ đầu.

b. Khi có sự thay đổi về người giám định, người phiên dịch tại phiên tòa.

c. Khi đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt:

d. Đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 1 và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

e. Đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 vì sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan.

f. Khi người phiên dịch vắng mặt.

Ngoài ra, HĐXX có quyền hoãn phiên tòa nếu xét thấy cần thiết khi:

a. Khi người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa.

b. Khi người giám định vắng mặt tại phiên tòa.

c. Khi người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa và có người đề nghị hoãn phiên tòa.

Các trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm

Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm khi:

a. Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm nhưng Kiểm sát viên vắng mặt;

b. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;

c. Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Như vậy, nguyên đơn, người kháng cáo nếu được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì được coi như là đã từ bỏ yêu cầu khởi kiện, kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện, kháng cáo đó.

Thời hạn hoãn phiên tòa

Quyết định hoãn phiên tòa phải nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên tòa. Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

TẠM NGỪNG PHIÊN TÒA

Căn cứ tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm

Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

a. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;

b. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;

c. Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;

d. Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;

e. Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;

f. Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Thời hạn tạm ngừng phiên tòa

Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Cơ sở pháp lý: 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231, Điều 233, Điều 241, và Điều  259 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chế định “hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa” mà Luật sư Tranh tụng cho rằng Quý độc giả cần nắm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia tố tụng.

Thủy Lê