Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Số lần xem: 16,219 Ngày đăng: 04/01/2017 15:55:20
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, trước khi chết, người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình bằng di chúc. Tuy nhiên, quyền định đoạt này chỉ là một quyền tương đối và chủ sở hữu tài sản không hoàn toàn tự do trong việc định đoạt tài sản của mình trước khi chết.Một trong những giới hạn đối với sự tự do này của chủ sở hữu đó là chế định “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” tại Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 và mới đây là Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Vậy chế định này là như thế nào?
Thông qua bài viết dưới đây, Luật sư Thừa kế sẽ cung cấp cho Quý độc giả những thông tin cơ bản nhất về chế định đặc biệt này.
Theo quy định của Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, “Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” có nghĩa là trong trường hợp những người dưới đây không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu chia di sản theo pháp luật thì họ vẫn được hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ: ông A chết để lại di sản 100 triệu. Trước khi chết, ông A có lập di chúc để lại hết tài sản cho anh C (30 tuổi) là con chung của ông A và vợ là bà B. Theo di chúc này thì bà B không được hưởng phần di sản nào. Tuy nhiên, áp dụng quy định về “thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” thì bà B sẽ được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu chia di sản theo pháp luật. Tức là nếu di sản ông A được chia theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất chỉ có bà B và anh C. Do đó, 100 triệu sẽ được chia hai, mỗi người được hưởng 50 triệu. Vì vậy, khi áp dụng quy định về “ thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” thì bà B sẽ được hưởng 2/3 của 50 triệu, tức là khoảng 33,3 triệu đồng. Sau khi chia cho bà B xong thì anh C sẽ được hưởng tất cả phần còn lại theo nội dung của di chúc mà ông A đã định đoạt.
Vậy những người nào sẽ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc? Theo quy định của Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người dưới đây thuộc diện “hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc”:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Con chưa thành niên
Trong số những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc có “con chưa thành niên” của người để lại di sản. Theo Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005 thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 lại không quy định về thời điểm xác định tuổi chưa thành niên. Thực tế, Tòa án thường xác định tuổi tại thời điểm mở thừa kế vì lúc này di chúc mới có hiệu lực và việc di sản mới có thể được tiến hành.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2005 cũng không quy định rõ “con” ở đây là con gì? Là con đẻ, con nuôi hay con ngoài giá thú. Bởi vì, Bộ luật Dân sự 2005 không phân biệt rõ nên chúng ta có thể hiểu tất cả những người này có thể thuộc diện được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Hiện nay pháp luật chỉ ghi nhận quyền được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc đối với “con”, tức là con đã được sinh ra còn con chưa được sinh ra, còn đang là bào thai thì không được đề cập đến.
Vợ, chồng của người để lại di sản
Trong số những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc có “vợ, chồng” của người để lại di sản. “Vợ, chồng” ở đây là vợ, chồng hợp pháp của người để lại di sản ở thời điểm mở thừa kế. Nếu người để lại di sản trước đó có vợ nhưng đã ly hôn và có người vợ mới cho đến lúc mất thì người vợ mới là người có thể có quyền hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Cha, mẹ của người để lại di sản
Trong số những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc có “cha, mẹ” của người để lại di sản. Bộ luật Dân sự 2005 không quy định rõ “cha, mẹ” ở đây là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi của người để lại di sản nên chúng ta có thể hiểu “cha, mẹ” ở đây có thể là cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ nuôi đều được.
Con đã thành niên mà không có khả năng lao động
Đối tượng cuối cùng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc đó là “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”. Theo Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005 thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên. Như vậy, con đã thành niên là con từ đủ 18 tuổi trở lên. Cũng như phân tích ở phần “con chưa thành niên”, thời điểm xác định tuổi của “con đã thành niên” cũng là tại thời điểm mở thừa kế và “con đã thành niên” ở đây có thể là con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú. Bộ luật Dân sự 2005 không định nghĩa “không có khả năng lao động” là như thế nào? Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo một số trường hợp được coi là “mất khả năng lao động” tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP. Theo đó, “mất khả năng lao động” là trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.
Tóm lại, trên đây là một số thông tin cơ bản về chế định “người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” mà Luật sư Tranh tụng cho rằng Quý độc giả cần nắm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thảo Linh
Bài viết liên quan
- Thủ tục nhận nuôi trẻ em bị bỏ rơi (16/05/2019 15:20:18)
- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền (22/04/2019 17:21:15)
- Quyền hưởng dụng theo quy định của BLDS 2015 (22/04/2019 11:19:44)
- Có được khiếu nại quyết định thi hành án dân sự không (16/04/2019 14:26:31)
- Quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (08/04/2019 17:55:50)