Về con dấu của doanh nghiệp
Số lần xem: 5,855 Ngày đăng: 13/03/2019 11:17:33
Sau khi thành lập, doanh nghiệp sẽ tiến hành sử dụng mẫu con dấu. Như vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc sử dụng và quản lý con dấu của doanh nghiệp?1. Nội dung con dấu
Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Nội dung con dấu phải thể hiện được các thông tin bắt buộc sau đây:
- Tên doanh nghiệp.
- Mã số doanh nghiệp.
Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp, trừ các trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
2. Hình ảnh, ngôn ngữ không được sử dụng trong nội dung mẫu con dấu
Doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau đây trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu:
- Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
- Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
(Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP)
3. Hình thức con dấu
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước (Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP).
4. Thông báo mẫu con dấu
Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Làm con dấu lần đầu sau khi đăng ký doanh nghiệp;
- Thay đổi số lượng, nội dung, hình thức mẫu con dấu và mầu mực dấu;
- Hủy mẫu con dấu.
(Khoản 4 Điều 15 Nghị định 96/2015/NĐ-CP)
Lưu ý về việc quản lý và sử dụng con dấu
1. Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của doanh nghiệp.
3. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này; đồng thời thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
(Điều 15 Nghị định 96/2015/NĐ-CP)
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp mà Luật sư Tranh tụng cho rằng Quý độc giả cần nắm trong quá trình điều hành hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nguồn ảnh: Internet
Thủy Lê
Bài viết liên quan
- Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp (18/03/2019 11:16:01)
- Mẫu văn bản đăng ký doanh nghiệp doanh được thay đổi (08/03/2019 11:01:17)
- Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn (28/08/2018 10:49:41)