Nghĩa vụ chứng minh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài
Số lần xem: 6,246 Ngày đăng: 20/03/2019 17:09:35
Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm nhưng vẫn có thể bị hủy bởi Tòa án theo yêu cầu của một bên.Theo Khoản 2 Điều 68 Luật TTTM 2010, phán quyết của trọng tài bị hủy khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
- Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
- Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
- Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
- Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp bị hủy. Do đó, bên yêu cầu muốn bảo vệ quyền lợi của mình khi viện dẫn một trong các căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 68, thì phải chứng minh trước Tòa án, phán quyết trọng tài vi phạm một hay nhiều các căn cứ đó.
Riêng đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thì Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài (điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM).
Lưu ý:
Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.
Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.
Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối, thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.
Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 (trường hợp hủy phán quyết trọng tài do phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam) và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Trọng tài Thương mại 2010;
- Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP;
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến việc hủy phán quyết trọng tài mà Luật sư Tranh tụng cho rằng Quý độc giả cần nắm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia tố tụng.
Nguồn ảnh: Internet
Thủy Lê
Bài viết liên quan
- Thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi nào (20/04/2019 16:58:20)
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài (21/03/2019 11:08:17)
- Các trường hợp hủy phán quyết trọng tài (08/03/2019 15:16:21)